THÁNG 10
GIỚI THIỆU CUỐN: BÁC HỒ VỚI GIÁO DỤC
Tác giả: Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thị Tình (chủ biên)
Nguyễn Thị Hương, Phạm Thị Lai, Võ Văn Chiến
Các thầy, cô giáo và các em học sinh thân mến! Nhhắc đến Bác Hồ - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu, trong mỗi chúng ta, ai cũng lâng lâng niềm tự hào, kính trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày19/05/1980 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cả cuộc đời Bác, giành trọn cho sự nghiệp giải phóng đất nước, mang lại cuộc sống tự do cho dân tộc Việt Nam. Vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 02/09/1969 giữa lúc nhân dân ta ở cả 2 miền Nam - Bắc đang giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì trái tim của Người đã ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân ta và bạn bè Quốc tế.
Các thầy, cô giáo và các em thân mến! Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm tới sự nghiệp Giáo dục. Người đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Người đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Sự nghiệp Giáo dục luôn được Người quan tâm hàng đầu. Tháng 01/1946 trả lời các nhà báo nước ngoài Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…” Như vậy mới thấy việc học luôn được Bác Hồ coi trọng như độc lập tự do, như cơm ăn, áo mặc hàng ngày.
Để tưởng nhớ đến công lao vĩ đại của Người, chào mừng kỉ niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành Giáo dục 15/10 và Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới các thầy, cô giáo cùng toàn thể các em cuốn sách: “Bác Hồ với giáo dục” của nhóm tác giả: Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thị Tình (chủ biên), Nguyễn Thị Hương, Phạm Thị Lai và Võ Văn Chiến.
Về hình thức: Cuốn sách dày 309 trang, khổ 24 x 32 cm, do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành vào năm 2006.
Về nội dung: Cuốn sách: “Bác Hồ với giáo dục” giới thiệu với giáo viên, học sinh, các nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước những bức ảnh cùng các câu nói, mẩu chuyện, đoạn trích phản ánh một cách sinh động triết lý, tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục con người và lòng mong mỏi thiết tha, tình cảm nồng ấm của Người đối với ngành Giáo dục.
Ẩn sau mỗi bức ảnh là một sự kiện, một câu chuyện sống động, toát lên tầm tư tưởng lớn và tình cảm đặc biệt của Hồ Chí Minh đối với công cuộc phát triển giáo dục của đất nước. Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của giáo dục trong việc giáo hóa, rèn luyện nhân cách con người. Trong bài thơ Dạ bán (Nửa đêm) Người viết:
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên
Quả đúng như vậy, con người sinh ra vốn mang tính thiện (nhân chi sơ, tính bản thiện). Nếu được giáo dục tốt thì sẽ trở thành người tốt, thành người lương thiện, còn giáo dục không tốt sẽ trở thành người xấu, người ác. Tư tưởng này cũng được Người nói rõ trong tác phẩm “Đời sống mới”: “Óc những người tuổi trẻ sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy, sự học ở trong trường có ảnh hưởng lớn cho tương lai của thanh niên”.
Người cũng khẳng định phương châm của giáo dục là: “Lý luận đi đôi với thực hành. Giáo dục nhà trường phải đi đôi với giáo dục gia đình và xã hội”.
Phát triển giáo dục nâng cao dân trí xã hội là một triết lý, một tư tưởng, một ước vọng, tình cảm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.
Hy vọng rằng, những bức ảnh, những câu nói, những đoạn trích ngắn gọn và những mẩu chuyện nhỏ trong cuốn sách này, sẽ là một tài liệu quý cho tuổi trẻ Việt Nam, đặc biệt là tuổi trẻ học đường học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong nhà trường hiện nay.
Để được tìm hiểu rõ hơn về cuốn sách, xin mời các thầy, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh hãy đến thư viện nhà trường để tìm đọc.